Một trong những lý do khiến ung thư trở thành những căn bệnh khó trị, đó là vì một số tế bào bị đột biến mạnh đến mức không thể chạm tới được bằng thuốc. Chúng chiếm tới 50% số trường hợp, liên tục tạo ra kháng thể khiến thuốc dần trở nên vô hiệu.
Nhưng mới đây, bằng một đột phá trong y học, các chuyên gia đến từ ĐH California (San Francisco) đã giải quyết được chuyện này.
Họ đã tạo ra được một loại thuốc có khả năng làm chậm lại sự phát triển của tế bào phổi, da, ruột và tụy, từ đó vẽ ra một viễn cảnh giải quyết được những tế bào ung thư cứng đầu bậc nhất kia.
Trên thực tế, cần biết rằng mọi khu vực trên cơ thể cũng có khả năng trở thành tế bào ung thư. Đơn giản là vì bất kỳ tế bào nào có khả năng nhân bản đều mang nguy cơ bị đột biến. Và ung thư thì chính là tế bào bị đột biến một cách không thể kiểm soát.
Cụ thể, các tế bào trong cơ thể chúng ta có thể tự chữa lành bằng cách hình thành thêm nhiều tế bào thông qua quá trình nhân bản. Quá trình này được kích hoạt nhờ những con đường truyền tín hiệu giống như sóng điện thoại, nhưng là từ tế bào.
Một trong những tín hiệu ấy được gọi là MAPK/ERK, với vai trò "tắt" hoặc "bật" chức năng phân chia. Nhưng nếu nó bị ngăn trở, tế bào sẽ phân chia vô hạn, trở nên mất kiểm soát và hình thành ung thư.
Khi đã trở thành ung thư, chúng ta có một số cách để giải quyết. Cách tốt nhất là phẫu thuật và cắt bỏ khối u đi. Nhưng đôi khi khối u trở nên quá lớn, lại gắn chặt với một bộ phận quan trọng, khiến câu chuyện phẫu thuật phải gạt bỏ qua một bên.
Với các trường hợp như vậy, đáp án chỉ có thể là dùng hóa trị hoặc xạ trị để hủy diệt tế bào phân chia quá nhanh. Nhưng đây không phải phương án tối ưu, vì nó không thể "tái lập trình" việc phân chia của tế bào được.
Vậy nên, ý tưởng được đưa ra là tác động đến MAPK/ERK, nhằm tắt đi quá trình phân chia tế bào và giúp đưa rất nhiều trường hợp ung thư trở về bình thường. Trước kia, ý tưởng này đã được đưa ra thử nghiệm nhưng thực sự rất khó, vì các tín hiệu MAPK/ERK có thể tìm ra những con đường khác, khiến sự can thiệp là vô hiệu.
Nhưng trong thí nghiệm lần này, họ đã thành công.
Mấu chốt ở đây là tác động vào MAPK/ERK từ giai đoạn sớm, bằng việc chặn lại một phân tử mang tên SHP2. Nhờ vậy, họ có thể tắt được tín hiệu phân chia tế bào mà không phải mất quá nhiều công sức.
"Chỉ cần chặn SHP2, chúng ta có một khối ứng dụng khổng lồ, hướng đến rất nhiều loại ung thư khác so với thời điểm hiện tại" - trích lời tiến sĩ Trever Bivona, tác giả nghiên cứu.
Trong thí nghiệm, các tế bào bị ngăn cản phân chia, và thậm chí tế bào ung thư có thể chết trong một vài trường hợp.
Hơn nữa trong thí nghiệm trên chuột (đã được cấy tế bào phổi của người), loại thuốc mới cho phép ngăn chặn sự tăng trưởng của khối u, làm chậm nó lại, và từ đó "mua" thêm thời gian cho bệnh nhân nhằm chữa trị triệt để.
Tham khảo: Daily Mail